1. Cao răng là gì
Cao răng, hay còn gọi là
vôi răng, là những mảng bám tích tụ và bị vôi hóa trên bề mặt răng hoặc dưới mép lợi. Quá trình hình thành cao răng diễn ra như sau:
Mảng bám ban đầu: Sau khi ăn khoảng 15 phút, một lớp màng mỏng (màng sinh học) sẽ bám vào bề mặt răng. Nếu không được làm sạch, vi khuẩn sẽ xâm nhập và tích tụ, tạo thành các mảng bám mềm.
Vôi hóa: Khi mảng bám không được loại bỏ kịp thời (thường sau khoảng 1 tuần), chúng sẽ bị vôi hóa bởi các hợp chất muối vô cơ trong nước bọt và các chất khoáng khác trong miệng. Lúc này, mảng bám trở nên cứng và bám rất chắc vào răng, tạo thành cao răng.

1.1 Các loại cao răng
Cao răng thường được chia làm hai loại chính:
Cao răng thường: Có màu trắng đục hoặc vàng nhạt, thường xuất hiện ở vùng cổ răng.
Cao răng huyết thanh: Khi cao răng thường gây viêm lợi và chảy máu, máu sẽ ngấm vào mảng cao răng, tạo nên màu nâu đỏ hoặc nâu đen. Loại cao răng này thường nằm sâu dưới nướu và chứa nhiều vi khuẩn hơn.
1.2 Tác hại của cao răng gây ra
Sự tích tụ cao răng có thể gây ra nhiều vấn đề về răng miệng:
Mất thẩm mỹ: Cao răng có màu vàng hoặc nâu, làm mất đi vẻ trắng sáng của răng.
Hôi miệng: Cao răng là nơi trú ngụ của vi khuẩn, chúng phân hủy thức ăn thừa và gây ra mùi hôi khó chịu.
Sâu răng: Vi khuẩn trong cao răng sản sinh axit bào mòn men răng, dẫn đến sâu răng.
Viêm nướu (viêm lợi): Cao răng và vi khuẩn kích thích nướu, gây sưng, đỏ và chảy máu chân răng. Nếu không được điều trị, viêm nướu có thể tiến triển thành viêm nha chu.
Viêm nha chu: Là tình trạng viêm nhiễm nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến các mô nâng đỡ răng (xương ổ răng, dây chằng quanh răng). Viêm nha chu có thể dẫn đến tiêu xương, tụt lợi, răng lung lay và thậm chí là mất răng.
Ảnh hưởng sức khỏe tổng thể: Một số nghiên cứu cho thấy vi khuẩn từ các bệnh lý răng miệng do cao răng có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe toàn thân như bệnh tim mạch, tiểu đường.

2. Quá trình lấy cao răng mất bao lâu?
Thời gian lấy cao răng (cạo vôi răng) thường diễn ra khá nhanh chóng, trung bình khoảng
15 - 30 phút. Tuy nhiên, thời gian này có thể dao động tùy thuộc vào một số yếu tố:
Mức độ và lượng cao răng: Nếu bạn đi lấy cao răng định kỳ 6 tháng/lần và vệ sinh răng miệng tốt, lượng cao răng sẽ ít và mềm, quá trình loại bỏ sẽ nhanh hơn, có thể chỉ mất
10 - 15 phút.
Nếu bạn để lâu ngày không lấy cao răng, lượng cao răng tích tụ nhiều, cứng và bám chắc, đặc biệt là cao răng dưới nướu (cao răng huyết thanh), thì quá trình này sẽ mất nhiều thời gian hơn, có thể lên đến
20 - 30 phút hoặc hơn.
Tình trạng răng miệng: Nếu bạn có các vấn đề răng miệng khác như viêm nướu, viêm nha chu, răng nhạy cảm, quá trình lấy cao răng có thể cần cẩn thận và kéo dài hơn để tránh gây khó chịu hoặc chảy máu.
Tay nghề của bác sĩ và công nghệ sử dụng: Bác sĩ có kinh nghiệm và sử dụng các thiết bị hiện đại (như máy lấy cao răng siêu âm) sẽ giúp quá trình diễn ra nhanh chóng, hiệu quả và nhẹ nhàng hơn.

3. Khi nào nên đi lấy cao răng
Khi cao răng xuất hiện, việc đầu tiên cần làm là tìm hiểu cách chăm sóc răng miệng và ăn uống phù hợp để giảm thiểu sự phát triển của cao răng. Điều quan trọng là phải đến nha sĩ ngay khi có thể để loại bỏ cao răng. Việc lấy cao răng là cần thiết để tránh các ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng miệng. Các nha sĩ khuyên rằng, nên kiểm tra răng miệng định kỳ 3 - 6 tháng/lần để phát hiện và xử lý sớm các vấn đề về răng miệng, tránh tình trạng cao răng phát triển thành các mảng lớn hơn.
Đặc biệt là không lấy cao răng liên tục, giữa các lần lấy sát nhau: Bạn cần tránh tuyệt đối không được quá thường xuyên lấy cao răng vì có thể khiến răng bị mòn men và ê buốt. Sau mỗi lần lấy cao răng thì phải để hàm răng được nghỉ ngơi, tái khoáng lại men răng.
4. Lấy cao răng có đau không?
Việc lấy cao răng
thường không gây đau đớn mà chủ yếu là cảm giác
ê buốt nhẹ, đặc biệt đối với những người mới lấy lần đầu hoặc có nhiều cao răng. Cảm giác này thường sẽ giảm đi ở những lần lấy sau.
Tại sao lại có cảm giác ê buốt? Tình trạng cao răng: Nếu bạn có nhiều cao răng, đặc biệt là cao răng bám chắc dưới nướu gây sưng, viêm, thì quá trình loại bỏ có thể gây ê buốt hơn.
Độ nhạy cảm của răng: Một số người có răng nhạy cảm bẩm sinh hoặc răng bị mòn men, tụt nướu cũng dễ bị ê buốt hơn.
Kỹ thuật lấy cao răng: Nha sĩ có tay nghề cao và sử dụng máy móc hiện đại (như máy siêu âm) sẽ giúp quá trình lấy cao răng nhẹ nhàng, ít ê buốt và không làm tổn thương men răng hay nướu.
Lợi ích của việc lấy cao răng định kỳ Việc lấy cao răng định kỳ (thường 6 tháng/lần) mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho sức khỏe răng miệng:
Loại bỏ mảng bám và vi khuẩn: Giúp làm sạch các mảng bám cứng đầu và vi khuẩn gây hại tích tụ trên răng và dưới nướu, giúp răng trắng sáng và sạch sẽ hơn.
Ngăn ngừa bệnh răng miệng: Giảm nguy cơ mắc các bệnh lý như sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu, chảy máu chân răng, tụt lợi.
Cải thiện hơi thở: Loại bỏ vi khuẩn gây mùi, giúp hơi thở thơm mát.
Phát hiện sớm vấn đề răng miệng: Nha sĩ có thể kiểm tra và phát hiện các vấn đề răng miệng khác để điều trị kịp thời.
Hy vọng những chia sẻ vừa rồi đã giúp các bạn giải đáp được câu hỏi lấy cao răng mất bao lâu!